Xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX và đi vào hoạt động chuyên nghiệp từ đầu thế kỷ XX, PR (hay Quan hệ công chúng) đã từng bước chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong việc giúp các cá nhân, tổ chức quản lý mối quan hệ với những nhóm người khác nhau – được gọi là công chúng, khiến họ có nhận thức đúng đắn, có thái độ tích cực và hành động ủng hộ đối với cá nhân, tổ chức đó.
Ở Việt Nam, PR vẫn còn là một khái niệm tương đối mới mẻ và là môn học được giảng dạy trong một số trường đại học chỉ vài năm trở lại đây. Từ năm 2008, Học viện Cảnh sát nhân dân trở thành trường đầu tiên trong số các trường Công an nhân dân đưa môn PR vào giảng dạy. Đây là một sự cập nhật tri thức mới cho sinh viên cũng như giúp sinh viên nhận thức được tầm quan trọng và cách thức để xây dựng mối quan hệ tích cực giữa lực lượng Cảnh sát nhân dân với các nhóm công chúng liên quan như cộng đồng, giới báo chí hay các nhóm đối tác; tạo dựng uy tín để có được niềm tin, thiện cảm và sự ủng hộ của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Cùng chung quan điểm này, Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ Abraham Lincoln cũng được biết đến với câu nói nổi tiếng “Cảm tình của công chúng là tất cả. Có được cảm tình này chúng ta không thể nào thất bại. Không có được cảm tình này, chúng ta không thể nào thành công.” Bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực phòng ngừa và điều tra tội phạm, người chiến sĩ Cảnh sát cũng cần có ý thức và nỗ lực trong việc góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về lực lượng Cảnh sát nhân dân trong mắt người dân, từ đó tìm kiếm sự ủng hộ từ phía nhân dân. Đồng thời, với nền tảng lý thuyết giao tiếp và truyền thông, kiến thức của môn học cũng rất thiết thực để vận dụng vào các chương trình phổ biến pháp luật cho cộng đồng, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân.
Tuy nhiên, các sách và tài liệu liên quan đến môn học hiện nay còn hạn chế, đặc biệt những tài liệu trực tiếp đề cập đến hoạt động PR trong lực lượng Cảnh sát nhân dân là rất hiếm. Với mong muốn phục vụ tốt hơn quá trình dạy và học môn học này, giáo viên bộ môn Tâm lý đã nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu cả trong nước và nước ngoài để biên soạn cuốn sách: “PR – Điều cần biết để vận dụng trong lực lượng Cảnh sát nhân dân”.
Đối với các học viên, đây sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để hiểu rõ hơn một số vấn đề cơ bản trong lĩnh vực PR: PR đã ra đời như thế nào? Công chúng của PR là ai? Làm sao để đảm bảo đạo đức và tính chuyên nghiệp trong PR? Khi đối mặt với một khủng hoảng, cá nhân hay tổ chức nên làm gì? Cuốn sách vừa mở rộng, vừa phân tích sâu thêm những kiến thức được đề cập trong chương trình môn học bằng những câu chuyện thú vị, những ví dụ thực tế như bài học xử lý khủng hoảng của Nutifood năm 2004, hoạt động vận động hành lang của Việt Nam trong cuộc chiến chống bán phá giá cá da trơn tại Mỹ hay suy ngẫm về việc lợi dụng các chiến dịch PR để phát động cuộc chiến tranh Iraq của chính quyền tổng thống Bush. Trên cơ sở kiến thức nền tảng về PR nói chung, bạn đọc có thể bước đầu tìm hiểu về sự vận dụng PR trong lực lượng Cảnh sát nhân dân. Tiêu biểu như vấn đề xây dựng văn hóa tổ chức trong lực lượng Cảnh sát nhân dân, phát triển mối quan hệ phối hợp tích cực giữa Cảnh sát và báo chí và đặc biệt là xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trong bối cảnh mới.
Nhóm tác giả hi vọng bên cạnh cuốn giáo trình hiện hành, cuốn sách sắp được phát hành này sẽ góp phần làm phong phú thêm nguồn tài liệu, giúp các bạn học viên học tốt môn học này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Ngọc Hương - Bộ môn Tâm lý - T32